Công trình ngầm – Đến lúc cần mở rộng, quản lý
Cục Quy hoạch đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai) vừa đề xuất và nghiên cứu cơ chế quản lý, sử dụng đất đối với các công trình ngầm nhằm tăng cường năng lực quản lý nhà nước về đất đai và mở rộng thêm không gian sống đô thị.
Công trình ngầm mang lại cơ hội đầu tư bất động sản
* Tiềm năng đầu tư lớn
Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hoá của nước ta ngày càng nhanh, hệ thống đô thị phát triển cả về số lượng, chất lượng và quy mô. Quỹ đất bề mặt của đất nước nói chung và các đô thị lớn đã ở tình trạng khan hiếm, các không gian xanh, không gian công cộng ngày một thu hẹp, khiến người dân đô thị cảm thấy trở nên bức bối... Những điều này cộng với nhu cầu về tính văn minh, hiện đại và mỹ quan đô thị đã và đang đòi hỏi việc phát triển phải hướng đến khả năng tận dụng, phát triển song song cả về chiều cao lẫn chiều sâu của đô thị. Trong đó, vấn đề chiều cao đô thị đã được chú ý phát triển trong mấy năm gần đây, nhưng vấn đề chiều sâu, vấn đề không gian ngầm thì dường như vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Có thể nói rằng, trong hoạt động xây dựng, cải tạo và phát triển đô thị, đặc biệt đối với các đô thị lớn của Việt Nam hiện nay, chúng ta luôn luôn phải có sự kết hợp chặt chẽ và hữu cơ giữa các công trình trên mặt đất và công trình được xây dựng dưới mặt đất. Sử dụng, khai thác không gian ngầm có hiệu quả, tiết kiệm đất đai cũng như bố trí hợp lý các công trình dưới mặt đất góp phần thúc đẩy quá trình phát triển đô thị, nâng cao chất lượng sống của cư dân đô thị.
Điều đó còn góp phần tạo nên sự hợp lý hơn của quy hoạch tổng mặt bằng xây dựng đô thị, giúp sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả quỹ đất xây dựng đô thị để xây dựng nhà ở, các công trình phục vụ lợi ích công cộng, các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, đặc biệt các công trình giao thông ngầm (tuyến, nhà ga, bãi đỗ xe, hầm cho người đi bộ,...) trong đô thị, góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái đô thị... Đứng dưới góc độ đầu tư bất động sản cao cấp, không gian ngầm đô thị không chỉ là những công trình mang tính hệ thống kỹ thuật như hệ thống đường dây, đường ống, các tuyến đường tàu điện ngầm, bãi đậu xe, hầm đường ô tô, đường bộ, ... mà không gian ngầm còn có thể là những tổ hợp trung tâm thương mại, trung tâm sinh hoạt công cộng, vui chơi giải trí, những công trình đa chức năng trong đó thậm chí hướng tới là văn phòng, ... Do đó, không gian ngầm đô thị không những là giải pháp giải tỏa các áp lực mang tính xã hội trên mặt đất mà còn là một tiềm năng lớn cho hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản tại các đô thị lớn của Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng với sự chú ý đến vấn đề không gian ngầm trong các dự án nói riêng và vấn đề phát triển không gian ngầm đô thị nói chung vẫn còn rất nhiều những bất cập, cản trở công tác phát triển không gian ngầm trong đô thị Việt Nam cũng như cản trở hoạt động đầu tư vào các dự án và hạng mục công trình ngầm của các nhà đầu tư. Những điều này dẫn đến một thực trạng hết sức bất cập trong vấn đề phát triển không gian ngầm - một xu thế tất yếu mà chúng ta phải tính toán đến.
* Quản lý công trình ngầm theo hướng “4 thống nhất”
Ở nước ta, hiện việc tổ chức quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch nói chung đang là khâu yếu, mà một trong số các biểu hiện là tình trạng đào lên lấp xuống nhiều lần để lắp đặt kết cấu hạ tầng dưới nền đường phố do thiếu phối hợp cả về nội dung và thời điểm của các dự án có liên quan. Nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là do tư duy đầu tư phân tán và tư duy bản vị cục bộ, ngành nào chỉ biết ngành đó, khu vực nào chỉ biết khu vực đó! Tình trạng yếu kém trong quản lý thực hiện quy hoạch lớp ngầm nông như vừa nói trên đã gây hậu quả rất không tốt rồi, thế nhưng nếu nó xẩy ra đối với các lớp ngầm sâu hơn thì hậu quả còn rất nguy hiểm khó lường.
Vì vậy cần nghiên cứu kỹ khung pháp lý và thể chế tổ chức quản lý thực hiện quy hoạch ngầm đô thị theo hướng “4 thống nhất”: 1) thống nhất kế hoạch đầu tư; 2) thống nhất chỉ đạo thiết kế và thi công; 3) thống nhất quản lý“4 thông” (thông lối lên xuống, thông gió, thông điện, thông cấp thoát nước và vệ sinh); và 4) thống nhất ứng phó sự cố và thiên tai. Thống nhất không có nghĩa là duy nhất mà chỉ là đảm bảo sự đồng bộ, cùng chung sức và không mâu thuẫn, cản trở nhau.
Về Khung pháp lý về xây dựng hầm/hào kỹ thuật đã có nhưng chưa được các nhà đầu tư và cả chính quyền đô thị coi trọng, có thể vì e ngại tốn kém vốn đầu tư và cả độ khó về việc chỉ đạo phối hợp. Thực ra nếu có khung pháp lý thỏa đáng về cơ chế tài chính để phát triển kết cấu hạ tầng đô thị thì việc phát triển hầm/hào kỹ thuật thị chính cũng như các công trình hạ tầng khác để hiện đại hóa đô thị không phải là chuyện quá khó khăn về vốn đầu tư và kinh phí quản lý.
* Khai mở tiềm năng bằng pháp chế
Pháp luật Việt Nam chưa có những quy định cụ thể về quản lý, sử dụng đất đối với không gian ngầm, công trình ngầm, tuy nhiên cũng có những quy định bước đầu về vấn đề này. Việc nghiên cứu học tập kinh nghiệm quốc tế là rất quan trọng. Cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng đất đối với không gian ngầm, công trình ngầm ở mỗi quốc gia khác nhau có những đặc điểm rất khác nhau, tùy thuộc vào đặc điểm kinh tế - xã hội và thể chế chính trị.
Những quy định pháp luật liên quan đến không gian ngầm, công trình ngầm ở các nước thường được điều chỉnh trong pháp luật về dân sự, đất đai và xây dựng. Ở hầu hết các quốc gia, quyền sở hữu đất đai bao gồm cả phần trên và phần không gian ngầm của khu đất, tuy nhiên ở một số nước quyền sở hữu phần không gian ngầm là có giới hạn hoặc có điều kiện.
Việc đề xuất được cơ chế chung nhất về quản lý, sử dụng đất đối với không gian ngầm, công trình ngầm, như: đo đạc lập bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không gian ngầmvà quyền sở hữu công trình ngầm; xác định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất không gian ngầm, công trình ngầm; thu tiền sử dụng đất và thu hồi đất, giải phóng mặt bằng xây dựng công trình ngầm có ý nghĩa bước đầu giải quyết những vấn đề vướng mắc từ thực tiễn hiện nay ở nước ta, phục vụ sửa đổi pháp luật đất đai và pháp luật có liên quan (dân sự, đầu tư, xây dựng). Đây là vấn đề khá phức tạp và nhạy cảm, cần tiếp tục việc nghiên cứu thêm kinh nghiệm của các nước trên thế giới và tổng kết thực tiễn quản lý, sử dụng đất xây dựng công trình ngầm ở Việt Nam.
Cụ thể là tập trung nghiên cứu sâu, làm rõ về một số vấn đề, như: quy hoạch sử dụng đất không gian ngầmlàm cơ sở để thu hút đầu tư phát triển công trình ngầm đặc biệt là xác định những khu vực khuyến khích và hạn chế phát triển công trình ngầm; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất không gian ngầm gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình ngầm. Ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài, trước mắt có thể ban hành quy định thử nghiệm về quản lý, sử dụng đất xây dựng công trình ngầm tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong việc khai thác không gian ngầm để xây dựng các tuyến tàu điện ngầm, đường bộ hành và các bãi đậu xe, kết hợp xây dựng các trung tâm thương mại ở khu vực trung tâm thành phố, khu vực có lợi thế thương mại. Trước mắt đề xuất lựa chọn một số khu vực có lợi thế thương mại để thử nghiệm xây dựng
Chiến lược khai thác sử dụng đất không gian ngầm. Ví dụ: Khu vực phố cổ của Hà Nội (có lợi thế thương mại cao, ít nhà cao tầng, cần phải bảo tồn trên mặt đất,...), khu vực Mỹ Đình, khu vực Tây Hồ Tây,... trên cơ sở đó xây dựng quy định tạm thời để thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài khai thác sử dụng đất không gian ngầm sẽ giải quyết được nhiều vấn đề đối với các khu vực này. Không gian ngầm là một dạng tài nguyên quý báu cần được tích cực khai thác để trở thành không gian thứ hai của đô thị hiện đại. Để đạt được mục đích đó, song song với áp dụng và phát triển công nghệ tiên tiến trong xây dựng công trình ngầm thì đồng thời phải bổ sung chủ đề không gian ngầm vào chiến lược, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, và xây dựng khung pháp lý và thể chế tương ứng. Bây giờ chính là thời điểm thích hợp mà chính quyền các đô thị, trước hết là các đô thị lớn, không nên để lỡ việc xúc tiến các việc nói trên.
Nguồn: Internet